Trong số 15 đài truyền thông vừa bị chính quyền buộc chấm dứt hoạt động với lý do thực hiện chủ trương tinh giản bộ máy chính quyền, thực hành tiếp kiệm, chống lãng phí. Hóa ra lại có những đài không hoạt động bằng ngân sách quốc gia, mà họ hoàn toàn tự thu, tự chi, tự chủ về tài chính.
Vậy thì việc hoạt động của họ đâu có ảnh hưởng gì đến ngân sách quốc gia để mà phải tinh giản?
Tôi muốn hỏi các anh chị làm việc trong số những đài truyền thông không hoạt động bằng ngân sách, nhưng bị buộc chấm dứt hoạt động như sau:
1. Hoạt động truyền thông của anh chị có đúng đắn không?
2. Hoạt động truyền thông của anh chị có hợp pháp không?
Nếu hoạt động truyền thông của anh chị đúng đắn và hợp pháp, có nghĩa là việc “bức tử” đài truyền thông của các anh chị là bất công và bất hợp pháp? Thế thì tại sao các anh chị lại chấp nhận sự chịu đựng bất công đó một cách hết sức thụ động?
Chính quyền, nhân danh gì đi nữa, suy cho cùng vẫn phải hành xử theo pháp luật. Trong khi đó, quyết định buộc các đài truyền thông chấm dứt hoạt động lại không căn cứ theo quy định pháp luật nào cả, mà lại căn cứ vào chủ trương không liên quan đến đài truyền thông của các anh chị.
Chưa kể đến việc các việc các anh chị đang thực hiện quyền tự do báo chí vốn đã được Hiến pháp Việt Nam thừa nhận bảo hộ.
Các anh chị đều là những người có hiểu biết trong xã hội. Thế nhưng, quyền của các anh chị bị tước đoạt bất hợp pháp, lợi ích của các anh chị bị xâm phạm bất công… mà các anh chị
chỉ biết than khóc với nhau là sao?
Than khóc là sự bất lực dành cho người dân thiếu hiểu biết, thấp cổ, bé miệng… chứ sao lại là các anh chị, những người làm truyền thông lọc lõi, tuổi nghề gần hai thập kỷ?
Tôi biết, “Thẳng mực tàu, đau lòng gỗ”, nhưng vẫn cần phải nói thẳng thắn để các anh chị hiểu rằng mình đã làm khán giả thất vọng như thế nào, khi trước nay vẫn tưởng các anh chị mạnh mẽ, vì là những người làm truyền thông. Thậm chí, Truyền thông Cách mạng.
Hóa ra, chỉ là sự thậm xưng thôi sao?